Đặc trưng Xeri

Xeri là kim loại màu trắng bạc, thuộc về nhóm Lantan. Nó tương tự như sắt ở màu sắc và ánh, nhưng mềm, dẻo và dễ uốn. Xeri có khoảng nhiệt độ ở thể lỏng dài nhất trong số các nguyên tố có đồng vị không có tính phóng xạ: 2.648 °C (từ 795 °C tới 3.443 °C) hay 4.766 °F (từ 1.463 °F tới 6.229 °F). (Thori có khoảng nhiệt độ ở thể lỏng dài hơn (2.946 °C hay 5.302 °F), nhưng là nguyên tố chỉ có các đồng vị phóng xạ.)

Mặc dù xeri thuộc về nhóm các nguyên tố gọi chung là kim loại đất hiếm, nhưng trên thực tế nó còn phổ biến hơn chì. Xeri có sẵn ở lượng tương đối lớn (68 ppm trong lớp vỏ Trái Đất). Nó được sử dụng trong một số hợp kim của kim loại đất hiếm.

Trong số các nguyên tố đất hiếm chỉ có europi là hoạt động hóa học mạnh hơn. Nó nhanh chóng bị xỉn màu trong không khí. Các dung dịch kiềm cũng như axít đặc và loãng nhanh chóng ăn mòn kim loại này. Xeri bị ôxi hóa chậm trong nước lạnh nhưng nhanh hơn trong nước nóng. Kim loại nguyên chất có thể bốc cháy khi cào xước.

Các muối của xeri(IV) (xeric) có màu đỏ cam hay ánh vàng, trong khi các muối xeri(III) (xerơ) thông thường màu trắng hay không màu. Cả hai trạng thái ôxi hóa đều hấp thụ mạnh ánh sáng cực tím. Xeri(III) có thể sử dụng để làm thủy tinh không màu và hấp thụ tia cực tím gần như hoàn toàn. Xeri có thể dễ dàng phát hiện trong các hỗn hợp đất hiếm bằng thử nghiệm định tính rất nhạy: bổ sung amoniachydro peoxit vào dung dịch các hỗn hợp nhóm lantan sẽ sinh ra màu nâu sẫm đặc trưng nếu có mặt xeri.

Biểu đồ pha của xeri